Lịch sử Phong_trào_Ngũ_tuần

Khởi phát

Tín hữu Ngũ Tuần thường truy nguyên các xác tín của họ từ những hiện tượng xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần, được ký thuật trong chương 2 của sách Công vụ các Sứ đồ.[6] Trong ngày ấy, Chúa Thánh Linh ban cho mười một sứ đồ khả năng nói các thứ tiếng. Tín hữu Ngũ Tuần cũng nhìn xem hội thánh tại Corinth thời xưa là hình mẫu về việc thực hành các ân tứ ấy. Họ tin rằng hội thánh Ngũ Tuần ngày nay là phiên bản đương đại của hội thánh tiên khởi trong Tân Ước. Tuy nhiên, các nhà luận giải Kinh Thánh chỉ ra rằng, những gì xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần là những trải nghiệm đột nhiên, bất khả kháng, và nhất thời, trong khi các tín hữu ở Corinth cố biến chúng thành những trải nghiệm được thực hành thường xuyên có chủ đích.[7] Cũng theo cách luận giải này, trong thư gởi tín hữu ở Corinth (chương 12-14), mục đích của Phao-lô là giúp cho họ hiểu rằng những "ân tứ" này không phải là các giá trị căn cốt cho sự cứu rỗi và giúp ích cho tăng trưởng đời sống tâm linh, và ông khuyên họ không nên quá chú tâm vào việc tìm kiếm các ân tứ ấy.[8] Theo các nhà luận giải Kinh Thánh, giáo đoàn Corinth lúc ấy đang lâm vào tình trạng rối ren trong các phương diện tâm linh, thần học và đạo đức. Thành phố Corinth thời ấy là một trung tâm thương mại thịnh vượng, nổi tiếng với vật giá cao và các loại hình giải trí. Có lẽ một số tín hữu ở đó cũng bị tiêm nhiễm các tập quán ngoại giáo, bắt đầu lạm dụng các ân tứ để phục vụ lợi riêng, gây chia rẽ trong hội thánh cũng như phát sinh các thói xấu như kiêu ngạo, tự tôn, và tìm kiếm sự vinh hiển cho riêng mình.[7]

William J. Seymour, được xem người khởi phát Phong trào Ngũ Tuần.

Các sử gia tin rằng Phong trào Ngũ Tuần khởi phát từ một buổi nhóm cầu nguyện tại Trường Kinh Thánh Bethel ở Topeka, Kansas ngày 1 tháng 1 năm 1901.[9] Sau khi nghiên cứu Kinh Thánh, nhiều người có mặt ở đó đi đến kết luận rằng nói các thứ tiếng là dấu hiệu của sự trải nghiệm báp têm trong Thánh Linh. Charles Parham, người sáng lập Trường Kinh Thánh Bethel, đến sinh sống tại Houston, Texas. Ở đây, William J. Seymour, một truyền đạo người Mỹ gốc Phi, được mời đến tham dự các lớp học Kinh Thánh của Parham. Về sau, Seymour đến Los Angeles và trở thành tác nhân khởi phát cuộc phục hưng ở Nhà thờ đường Azusa xảy ra trong tháng 4 năm 1906. Đây là một nhà thờ Giám Lý của người da đen. Sự kiện này được xem là thời điểm hình thành Phong trào Ngũ Tuần. Sự chú ý của báo giới ở Los Angeles đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của phong trào.

Đến cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, nhiều tín hữu thuộc các giáo hội chính lưu (mainstream) ở Hoa Kỳ, Âu châu, và những nước khác trên thế giới bắt đầu chấp nhận báp têm trong Thánh Linh là trải nghiệm nên có trong đời sống tâm linh. Từ đó hình thành Phong trào Ân tứ, qui tụ nhiều người thuộc Anh giáo, Lutheran, Công giáo, và Giám Lý. Tuy nhiên, thay vì gia nhập các giáo phái Ngũ Tuần, những người này chủ trương ở lại và tiếp tục sinh hoạt trong giáo hội của mình.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phong_trào_Ngũ_tuần http://dlibrary.acu.edu.au/digitaltheses/public/ad... http://apostolicherald.com http://www.biblegateway.com/passage/?search=Acts%2... http://www.biblegateway.com/passage/?search=Acts%2... http://www.biblegateway.com/passage/?search=I%20Co... http://www.christianitytoday.com/ct/2000/november1... http://www.christianitytoday.com/ct/2000/november1... http://www.christianitytoday.com/ct/2006/december/... http://www.economist.com/specialreports/displaysto... http://www.encounterjournal.com